Tại buổi toạ đàm “Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn”, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. HCM – ông Bùi Hòa An cho biết TP.HCM đang xem xét việc xây dựng nhiều tuyến đường ven sông Sài Gòn để kết nối vùng Đông Nam bộ và phát triển kinh tế – du lịch vùng. Buổi toạ đàm do báo Pháp luật TPHCM tổ chức vào ngày 12/12 vừa qua.
Năm 2030 sẽ hình thành tuyến đường ven sông Sài Gòn tuyệt đẹp dài 4 km
Sông Sài Gòn kết nối TP.HCM với các tỉnh phía Đông Nam Bộ, đầu tư hạ tầng và phát triển kinh tế ven sông mang lại nhiều lợi ích cho TP.HCM.
Hiện TP. HCM đang nghiên cứu đường ven sông Sài Gòn dài 80 km để kết nối vùng Đông Nam Bộ. Nghiên cứu sơ bộ đang được thực hiện từ cầu Ba Son đến Bình Triệu, dài khoảng 4 km và rộng 30 m. Tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng.
Ông Bùi Hòa An cho biết TP. HCM sẽ sử dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội để thu hút nguồn lực để xây đường ven sông Sài Gòn. Kế hoạch là đoạn đường ven sông dài 4 km sẽ được thành lập vào năm 2030 sau khi nghiên cứu, lập dự án và trình HĐND TP. HCM.
Đường ven sông Sài Gòn kết nối giao thông khu vực Quận 12, Hóc Môn, Củ Chi với trung tâm thành phố, giảm áp lực cho giao thông đường bộ, và kết nối các tuyến Vành đai 2, 3, 4 và các tuyến cao tốc.
Khai thác quỹ đất dọc sông Sài Gòn giúp tạo điểm nhấn cảnh quan, phát triển kinh tế ven sông và du lịch, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương.
Đầu tư thêm 164 bến thủy
Tuyến đường sông Sài Gòn được hy vọng sẽ phát triển giao thông đường thủy và đường bộ. TP. HCM đã quan tâm đến sự phát triển của hạ tầng đường thủy và sản phẩm du lịch sông nước. TPHCM sử dụng hình thức xã hội hóa để thu hút đầu tư trong việc xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, cầu tàu, bến bãi, phương tiện phục vụ cho khách du lịch.
Hiện TP.HCM có khoảng 100 du thuyền và 100 ca nô. Tuy nhiên, thiếu bến neo đậu và dịch vụ cho du thuyền là thách thức cho việc phát triển nhu cầu chơi du thuyền. Hiện TP Thủ Đức và các quận, huyện đang cập nhật quy hoạch 411 bến thủy nội địa giai đoạn 2020 – 2030 vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của từng địa phương. Trong đó, có 247 bến đang hoạt động và 164 bến được đề xuất, đầu tư xây dựng mới.
Ông Nguyễn Trần Hữu Thắng, Tổng thư ký CLB Du thuyền TP. Thủ Đức, đề cập đến việc các doanh nghiệp mong muốn đầu tư bến du thuyền dựa trên các khu đất ven sông có sẵn. Liệu doanh nghiệp có được đăng ký các khu đất này trong các vị trí đề xuất để quy hoạch bến thủy nội địa không và thủ tục thế nào?
Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. HCM nói rằng các doanh nghiệp muốn xây dựng các bến du thuyền có thể đề xuất với lãnh đạo địa phương và cập nhật vào quy hoạch 411 bến thủy nội địa giai đoạn 2020 – 2030.